Gã khổng lồ đồ uống ghi nhận tăng trưởng doanh thu sau ba quý sụt giảm.
Coca-Cola (NYSE:KO) điêu đứng suốt thời đại dịch do mảng “sản phẩm mang đi” (takeaway), vốn chiếm ½ doanh thu, giảm mạnh.
Tuy nhiên, sau bốn quý lao dốc, hãng này ghi nhận doanh thu dương trong Q1/2021 (kết thúc vào ngày 02/04). Giờ đây, các lệnh phong tỏa gần như đã được gỡ bỏ và mọi người đã bắt đầu ra ngoài nhiều hơn dù với tâm lý thận trọng. Đại dịch đã làm lộ ra một số lỗ hổng trong mô hình kinh doanh của Coca-Cola nhưng công ty này cũng đã có những nỗ lực tái cấu trúc phù hợp. Liệu rằng Coca-Cola có thể duy trì đà tăng trưởng như hiện nay không?
Tăng trưởng trở lại
Thực ra ngay trước khi đại dịch ập đến, Coca-Cola đã có được đà tăng trưởng khá ấn tượng. Doanh thu tăng 16% trong Q4/2019 sau nhiều năm tăng trưởng giảm tốc. Vậy mà sau đó đại dịch khiến doanh thu Q2/2020 giảm tới 28%. Kết thúc năm 2020, doanh thu đã được cải thiện khá nhiều khi chỉ giảm 11%. Coca-Cola vẫn duy trì bảng cân đối kế toán bền vững dù doanh thu sụt giảm và tiếp tục trả cổ tức trong giai đoạn này.
Doanh thu quý đầu tiên của năm 2021 tăng 5% nhờ tăng trưởng 5% ở phân khúc “sản phẩm mang đi” (takeaway). Thu nhập trên mỗi cổ phiếu giảm 19%. Cả hai chỉ số này đều đánh bại ước tính. Doanh thu tháng 3 năm 2021 tương đương mức được ghi nhận hồi tháng 3 năm 2019 – một minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của công ty này.
Liệu rằng với tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt vẫn diễn ở nhiều khu vực khác trên thế giới, Coca-Cola có thể tiếp tục phục hồi với đà này hay không? Khó có thể khẳng định. Dù thu nhập đánh bại ước tính, công ty vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng doanh thu hữu cơ ở mức 6-9% cho năm 2021.
Đối mặt với một loạt thách thức mới
Coca-Cola đã chủ động tiến hành nhiều thay đổi quan trọng nhằm thích ứng với môi trường mới. Cụ thể, hãng này đã tái cấu trúc các đơn vị để loại bỏ những thành phần kém hiệu quả, cắt giảm chi phí và tạo ra một chiến lược tiếp thị nhắm mục tiêu chuẩn xác hơn. Coca-Cola đã sa thải hàng nghìn công nhân trong quá trình tái cấu trúc này. Số lượng thương hiệu cũng được Coca-Cola cắt giảm từ 400 xuống còn 200. Bên cạnh đó, một số thương hiệu mới có khả năng mở rộng đã được tung ra nhằm phục vụ chiến lược mới.
Những động thái này đã củng cố hoạt động chung của Coca-Cola, đồng thời cho phép hãng này tăng cường phân khúc “tại nhà” trong khi các nhà hàng và các địa điểm công cộng bị đóng cửa. Đối thủ cạnh tranh truyền kỳ của Coca-Cola, PepsiCo (NASDAQ: PEP), thuận lợi vượt qua đại dịch nhờ có các dòng sản phẩm đa dạng hơn, nhất là dòng đồ ăn nhanh Frito-Lay và bữa sáng Quaker.
Trong quý đầu tiên, dù không có các phân khúc đó, Coca-Cola vẫn có tăng trưởng doanh thu gần với mức tăng 6,8% của PepsiCo. Đây là minh chứng cho thấy Coca-Cola là một công ty khá linh hoạt, nhạy bén, có thể xoay trục hoạt động trong cả những hoàn cảnh bất ngờ và khó khăn.
Leave a Reply